Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

VIỆC ĐOẠN TRỪ ÁI DỤC


VIỆC ĐOẠN TRỪ ÁI DỤC 
ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA 
Hoàng Liên Tâm
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dành nguyên một chương để nói về ái dục vì ái dục là nguồn gốc của khổ đau.  Ngài dạy: “ái dục như dòng nước chảy xiết, xoáy sâu vào mặt đất.  Dòng nước đào đất thành hố, cuốn phăng mầu mỡ, biến đất thành biển cả và hoàn toàn mất sinh lực của đất (đất là vùng năng lực của tâm).  Những ai còn vướng bận ái dục, tình cảm, tài sản, sắc thân và sự nghiệp thế gian một cách say đắm, kẻ ấy bị dòng nước luân hồi cuốn về nơi vô định và sầu khổ triền miên.  Người nào biết hàng phục tham ái và dục lạc thì sầu khổ tự khắc chấm dứt như giọt sương mai đầu ngọn cỏ tan biến ngay, khi ánh mặt trời xuất hiện.  Đoạn trừ ái dục mà không đoạn trừ tận gốc rễ thì cũng như người nhổ cỏ mây (birina) chỉ cắt trên đầu ngọn, càng cắt trên ngọn thì gốc rễ cỏ càng sung sức và mọc lớn mạnh.  Muốn giải thoát khổ não, muốn thành đạt trạng thái tịch tĩnh, không dục vọng, phải xa lìa ái dục..”[1] 
Không chỉ trong kinh Pháp Cú, ngay bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài đã tuyên thuyết: “Hỡi các Tỳ kheo, đây là chân lý cao cả về nguyên nhân của khổ: ái dục đưa đến tái sinh này rồi lại đưa đến tái sinh khác, kèm theo lạc thú và tham dục, nó luôn luôn tìm khoái lạc mới, hết chỗ này lại đến chỗ kia, đó là: thèm khát những lạc thú của cảm giác, thèm khát hiện hữu và thèm khát không hiện hữu.”
Và trong một kinh khác: Kinh Chánh Tri Kiến [2], Ngài Xá Lợi Phất giảng về Tứ Diệu Đế, về Thiện và bất thiện và về cái thấy chân chính.  Ngài dạy chúng ta cái khổ, cái nguyên nhân của khổ và làm thế nào đoạn diệt khổ.  Ngài nói:  “Chính ái đưa đến tái sanh và đoạn diệt khổ là sự đoạn diệt ly tham. ”
Chữ Tham là Tham Ái hay Ái Dục, (Tanha) có nghĩa là luyến ái, thèm khát, vướng mắc, không bao giờ thoả mãn.  Có ba loại ái dục: (1) ái dục đeo níu theo nhục dục ngũ trần, (2) ái dục đeo níu theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương đoạn kiến hay tuyệt diệt, (3) ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương thường kiến.  Tổng cộng có tất cả 108 ái dục (sáu ái dục liên quan đến sáu căn và sáu ái dục liên quan đến sáu trần trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai nhân với ba loại ái dục trên). 
Mục đích của đạo Phật là giải thoát con người khỏi khổ đau luân hồi và những ai thực sự muốn làm điều đó, phải đoạn diệt ái dục.  Một cư sĩ tu tại gia nếu thật sự muốn tu giải thoát cũng cần phải thực hành việc đoạn diệt ái dục, không nhất thiết phải là tu sĩ xuất gia mới phải thực hiện điều này và đức Phật dạy trong các kinh đã đề cập như Kinh Pháp Cú là dạy chung cho tất cả các hàng Phật tử, cho những ai thật tâm muốn đi theo con đường giải thoát giác ngộ mà Ngài đã kinh qua.  Ái dục là một mãnh lực khủng khiếp, không những nó có thể khích động cả một đời mà còn khích động nhiều đời. Khi thân thể chúng ta tan rã, nó vẫn còn tiếp tục thể hiện trong một hình thức khác và gây ra cái mà người ta gọi là luân hồi.  Đức Như Lai đã tìm kiếm và thấy rằng ái chính là nguyên nhân của khổ, là rễ cái của khổ, mặc dầu ái do vô minh, mà vô minh có là vì những chuỗi nhân duyên khác.  Và cũng chính Ngài đề ra phương pháp giải thoát.  Đó là đoạn trừ ái dục, mà cái ái dục này bắt nguồn từ tâm ý nên phải “tự tịnh kỳ ý”.  
Nếu cho rằng việc cắt ái hay việc đoạn trừ ái dục chỉ áp dụng cho hàng tu sĩ xuất gia là hiểu sai ý của Phật, là chỉ y theo kinh mà giải nghĩa.  Chính Tổ Hám Sơn nói trong bài khai thị về những điểm thiết yếu khi niệm Phật là: “Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Độ”.  Thế nên, biết rõ ái dục là cội gốc của sanh tử. Khiến tất cả chúng sanh thọ khổ trong sanh tử đều do ái dục. Cội gốc ái dục này không phải chỉ hiện hữu trong một, hoặc hai, ba, bốn đời, mà nó đã tự có sẵn từ đời vô thủy cho đến ngày naỵ.  Sanh sanh thế thế, xả thân thọ thân, đều do lưu chuyển theo ái dục” [3] 
Trong lịch sử Phật giáo trung Hoa và Việt Nam cũng có nhiều vị cư sĩ tu tại gia kiến tánh giác ngộ.  Như hai vị cư sĩ lừng danh mà ai cũng biết là cư sĩ Bàng Long Uẩn bên TrungHoa và Tuệ Trung Thượng Sĩ của Việt Nam.  Đó là chưa kể đến Lục Tổ Huệ Năng.  
Đối với người cư sĩ tại gia việc đoạn trừ ái dục không có nghĩa là phải sống cách ly với chồng vợ, con cái, cha mẹ, mà là từ bỏ những dính mắc, những tham đắm trong tâm, biết sống tri túc, tức là bằng lòng với tình trạng vừa đủ để có niềm an lạc cho thân tâm.  Việc đoạn trừ ái dục phải được thực hiện tiềm ẩn trong tâm ý, không phải bằng lời nói mà bằng thực hành.  Tuy vẫn phải làm tròn bổn phận với gia đình và ngoài xã hội, nhưng trong tâm phải luôn luôn quán chiếu tài sản, cha mẹ, chồng vợ, và con cái của mình đời này có thể không phải là tài sản, là cha mẹ, chồng vợ, con cái của mình trong kiếp tới hay trong những đời khác.  Tất cả đều là vô thường, vô ngã và khổ đau.  Vì vậy đừng vì họ mà luyến ái và vì do luyến ái mà tạo ra những nghiệp bất thiện.  
Điều cơ bản mà người Phật tử tu tập tại gia, nằm trong phạm vi gia đình chưa vượt khỏi hạn chế bổn phận và trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái như đức Phật dạy trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt [4], .  Thế nên, người Phật tử phải biết phận sự của mình ở địa vị nào hầu làm tròn bổn phận và trách nhiệm ở địa vị ấy.  Đồng thời để tránh tình trạng có người vừa quy y Tam Bảo, hay vừa thọ giới Bồ Tát tại gia hiểu chút ít giáo lý đạo Phật về nhà lại tỏ ra lãnh đạm thờ ơ với công việc gia đình, chẳng muốn quan hệ với ai, nhắm mắt làm ngơ, không thấy, không nghe những chuyện đời. Thậm chí đến việc giáo dục con cái cũng "không bận tâm" luôn. Sống chết tốt xấu mặc kệ, ai có nghiệp nấy, ta cứ thản nhiên lim dim ngồi thiền hay tụng kinh niệm Phật cầu sinh Tây phương Cực lạc. Hành động ấy vô tình gây thêm sự xáo trộn, bất hòa giữa cha mẹ, chồng vợ và con cái, làm sai lạc tinh thần giáo lý Phật dạy.  
Đối với những người tại gia thọ Bồ Tát Giới phạm vi rộng rãi và bổn phận nhiều hơn nhưng gia đình và xã hội vẫn là môi trường hoạt động chủ yếu.  Trong Kinh Úc Già Trưởng Giả [5], Đức Phật dạy cho những người tu Bồ Tát tại gia phải có bổn phận, mục đích và cách thực tập tu hành như thế nào trong khi vẫn sống đời sống gia đình.  Trong gia đình Ngài dạy phải biết cung phụng mẹ cha và yểm trợ gia đình mình, được phép xây dựng sản nghiệp trong khuôn khổ luật pháp, không dùng những phương tiện mua bán không hợp pháp, không bất chính làm giàu. Không những không được áp bức người khác mà còn phải giúp đỡ người khác khi họ cần đến, phải dành một phần lợi tức kiếm được để bố thí cho những chúng sinh nghèo khổ, kém may mắn hơn mình.  Đối với việc dục lạc phải luôn luôn cảnh giác chúng là vô thường và chính sinh mạng của mình cũng vô thường như một giọt sương và tài sản của mình như một đám mây.  
Ngoài bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, người Bồ Tát tại gia phải dành thì giờ lẫn tâm lực để hộ trì Chánh Pháp được trường tồn, điều phục và giáo hoá chúng sinh.  Trong kinh Úc Già Trưởng Giả, Đức Phật dạy năm điều như sau cho những người thọ Bồ Tát giới tại gia:
1.Bồ Tát tại gia không tiếc bất cứ một tài vật sở hữu nào và tương ưng với tâm nhất thiết trí, không mong cầu quả báo. 
2. Bồ Tát tại gia thực hành phạm hạnh thanh tịnh, ý tưởng dâm dục còn không có, huống là có sự dâm dục. 
3. Bồ Tát tại gia biết thực hành thiền quán ở những nơi vắng vẻ và dùng những phương tiện của mình để cứu độ người mà không (vào) Niết bàn một mình. 
4. Bồ Tát tại gia phải tinh tấn hành trì Sáu Ba La Mật và đem lòng từ bi đối xử với tất cả các loài để hoá độ cho mọi chúng sinh. 
5. Bồ Tát tại gia gìn giữ chánh pháp và luôn luôn tìm cách giáo hoá và khuyên bảo mọi người
Chúng tôi đính kèm hai bản văn kinh căn bản áp dụng cho người Phật tử tu tại gia là Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt và Kinh Úc Già Trưởng Giả dành cho người đã thọ Bồ Tát Giới tại gia để tham cứu .  Một điều, tưởng cũng cần nhấn mạnh ở đây, theo lời Phật dạy trong Kinh Úc Già Trưởng Giả thì ngoài bổn phận như nói ở trên, mục đích của người cư sĩ Bồ Tát tại gia là phải điều phục và giáo hoá chúng sinh trong đó bao gồm chồng vợ, con cái và thân bằng quyến thuộc.  Nếu người cư sĩ Bồ tát tại gia không nhiếp phục được cho những người gần mình nhất, mà lại còn tạo cho họ niềm bực tức sân hận thì vị đó chưa phải là một vị cư sĩ Bồ Tát tại gia.  Việc thọ giới Bồ Tát tại gia là do hành động tự nguyện của những ai muốn phát tâm Vô thượng Bồ đề, đã hiểu, đã tin vào Đại thừa và muốn thực hành giải thoát cho mình và cho các loài chúng sinh.  Thọ bao nhiêu giới và những giới gì thì những ai thọ đều biết,  chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở đây, giữ giới Bồ Tát là chẳng những không làm những điều ác, mà còn phải làm những điều lành, và trong tâm luôn luôn mang ý nguyện thực hiện những điều có an lạc, có hạnh phúc cho tất cả các loài hữu tình chúng sinh.
Nói tóm lại, người cư sĩ tu tại gia phải làm tròn bổn phận với gia đình và ngoài xã hội, không phải là quay lưng lại với đời,  tách biệt mọi quan hệ với mọi người chung quanh.  Đạo không tách rời khỏi cuộc sống hiện thực của chúng ta.  Người cư sĩ Phật tử cần thể hiện qua cách ứng xử hàng ngày trong cuộc sống những điều đã được học hỏi qua kinh sách hay qua các lời giảng dạy của các bậc trưởng tử Như Lai để những người xung quanh cảm nhận được những điều lợi lạc của đạo giải thoát.  Đạo Phật là đạo giải thoát ngay trong lòng người và ngay trong cuộc sống hàng ngày, nên Lục Tổ nói trong bài tụng Vô Tướng rằng: “Phật Pháp ở thế gian.  Chẳng lìa thế gian giác.  Lìa thế kiếm Bồ Đề.  Giống như tìm sừng thỏ.”.  Riêng vấn đề giáo dục con cái trong gia đình người cư sĩ phải có trách nhiệm cao hơn nữa. Khi chưa hiểu đạo thì ta hướng dẫn con cái theo chiều hướng thế gian. Nay hiểu đạo phải có bổn phận hướng dẫn con trẻ sống theo tinh thần Phật dạy.  Thế nên, tu không phải mặc nhiên ai làm gì thì làm, tốt xấu mặc kệ, mình chỉ biết lo phận mình là đủ.  Đó là cá nhân chủ nghĩa.  Người hiểu đạo phải tích cực cải thiện bản thân và khuyến hóa người khác tránh ác làm lành và tự thanh tịnh tâm.
Hoàng Liên Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét